Bất kì bộ môn thể thao nào cũng có những luật chơi riêng của nó, và tennis cũng không ngoại lệ. Tennis gồm có 12 luật chơi cơ bản và chúng ta cần tìm hiểu rõ những điều luật để có thể tuân thủ đúng trong quá trình tập luyện cũng như thi đấu.
Nội dung
- ĐIỀU 1: VỀ SÂN THI ĐẤU
- ĐIỀU 2: VỀ THIẾT BỊ CỐ ĐỊNH TRÊN SÂN
- ĐIỀU 3: VỀ BÓNG TENNIS THI ĐẤU
- ĐIỀU 4: VỀ VỢT TENNIS
- ĐIỀU 5: VỀ GIAO BÓNG VÀ ĐỠ GIAO BÓNG
- ĐIỀU 6: VỀ CHỌN SÂN VÀ GIAO BÓNG
- ĐIỀU 7: VỀ CÁCH THỨC GIAO BÓNG
- ĐIỀU 8: VỀ TRÌNH TỰ GIAO BÓNG
- ĐIỀU 9: VỀ PHẠM LỖI GIAO BÓNG
- ĐIỀU 10: VỀ QUẢ GIAO BÓNG THỨ 2
- ĐIỀU 11: VỀ THỜI ĐIỂM GIAO BÓNG
- ĐIỀU 12: VỀ THỜI ĐIỂM ĐƯỢC GIAO BÓNG LẠI
ĐIỀU 1: VỀ SÂN THI ĐẤU
- Kích thước sân: chiều dài 23,77m – chiều rộng 8,23m (đối với sân đánh đơn), chiều dài 23,77m – chiều rộng 10,97m (đối với sân đánh đôi)
- Lưới: lưới được căng giữa, song song với đường biên ngang và chia sân thành 2 phần bằng nhau. Chiều cao của lưới được quy định là 0,914m và được căng bằng dây thừng hay dây kim loại với đường kính dây tối đa là 0,8cm.
- Cột lưới: có 2 loại cột lưới là cột lưới hình tròn (đường kính 15cm) và cột lưới hình vuông (cạnh 15cm). Cột lưới cao hơn mép trên lưới tối đa là 2,5cm và tâm cột lưới được đặt cách mép ngoài đường biên dọc mỗi bên 0,914m.
- Đường biên: đường quy định ở cuối mỗi sân là đường biên ngang, đường quy định ở hai bên mép chính là đường biên dọc. Đường giới hạn phát bóng được kẻ song song với đường biên ngang và cách lưới 6,4m.
- Ô giao bóng: là khoảng sân giữa lưới và đường giao bóng, được chia thành hai phần bằng nhau bởi một vạch giới hạn rộng 5cm.
Các đường kẻ trên sân phải cùng một màu và có kích thước giới hạn từ 2,5cm đến 5cm (tính đến mép ngoài). Riêng đường cuối sân có thể kẻ rộng 10cm.
ĐIỀU 2: VỀ THIẾT BỊ CỐ ĐỊNH TRÊN SÂN
Trên sân cần có các thiết bị cố định là:
- Lưới, cột lưới, dây căng lưới, cột chống, cạp lưới
- Tường bao sân
- Ghế trọng tài, bậc ngồi và ghế cố định cho vận động viên
- Người nhặt bóng, trọng tài chính và trọng tài biên khi đứng đúng vị trí cũng được coi là thiết bị cố định.
Xem thêm: HƯỚNG DẪN CÁCH CHƠI TENNIS TỪ A-Z
ĐIỀU 3: VỀ BÓNG TENNIS THI ĐẤU
Trong một trận đấu tất cả các quả bóng phải giống nhau. Bóng thường được phủ bằng một lớp nỉ có màu vàng hoặc trắng. Đường kính của bóng từ 6,35cm đến 6,67cm, trọng lượng từ 56g tới 59,4g và độ nảy từ 134,62cm đến 147,62cm khi được thả từ độ cao 254cm xuống.
Bóng Được Chia Thành Nhiều Loại:
Loại 1:
- Tốc độ nhanh: khi có lực 8,165kg tác động vào bóng, bóng sẽ có độ biến dạng về phía trước từ khoảng 0,495cm đến 0,597cm và độ biến dạng sau từ khoảng 0,749cm đến 0,965cm.
Loại 2 Và 3:
- Tốc độ trung bình và chậm: khi có lực 8,165kg tác động vào bóng, bóng sẽ có độ biến dạng về phía trước trong khoảng 0,559cm đến 0,737cm và độ biến dạng sau khoảng 0,800cm đến 1,080cm.
Khi Thi Đấu Ở Độ Cao Trên Mực Nước Biển Là 1,219m Thì Có Thể Sử Dụng 2 Loại Bóng Bổ Sung Sau Đây:
Loại 3:
- Bóng có độ nén – có các chỉ số như trên nhưng chỉ số nảy nằm trong khoảng từ 134,62cm đến 121,92cm và có áp suất trong ngoài như nhau.
Loại 4:
- Bóng không có độ nén – có các chỉ số như trên nhưng chỉ số nảy nằm trong khoảng 134,62cm đến 147,32cm và có áp suất bên trong lớn hơn áp suất bên ngoài.
ĐIỀU 4: VỀ VỢT TENNIS
Vợt là một vật vô cùng quan trọng đối với người chơi tennis, chúng ta nên biết về những quy định chung để có thể chọn được một cây vợt vừa ý và hiệu quả.
Mặt lưới của vợt là một mặt phẳng, các dây được đan vào khung theo tiêu chuẩn một sợi trên một sợi
Tổng chiều dài tối đa của vợt (tính cả phần cán vợt) không được quá 73,66cm. Chiều rộng tối đa của vợt không được quá 31,75cm. Kích thước của mặt lưới không được vượt quá 39,37cm về chiều dài và 29,21cm về chiều rộng.
ĐIỀU 5: VỀ GIAO BÓNG VÀ ĐỠ GIAO BÓNG
Mỗi người chơi đứng một bên lưới, người đánh bóng đầu tiên được gọi là người giao bóng và người còn lại gọi là người đỡ bóng.
ĐIỀU 6: VỀ CHỌN SÂN VÀ GIAO BÓNG
“Tung đồng tiền” là hình thức bốc thăm để quyết định xem ai là người chọn sân và ai là người giao bóng. Nếu người thắng chọn sân thì người còn lại có quyền chọn giao hoặc đỡ bóng, và ngược lại. Người thắng có thể dành quyền chọn hoặc nhường cho đối thủ.
ĐIỀU 7: VỀ CÁCH THỨC GIAO BÓNG
Tay vợt giao bóng phải đứng bằng cả hai chân ở ngoài đường biên cuối sân. Khi giao bóng, tay vợt giao bóng phải giữ nguyên vị trí đang đứng của mình (có thể có động tác nhỏ nhưng không được chạm vào đường kẻ vạch cuối sân hay đường tưởng tượng kéo dài của đường biên dọc và vạch mốc giao bóng). Người giao bóng tung bóng lên cao tùy ý và chỉ sử dụng một tay để phát bóng về phía đối phương.
ĐIỀU 8: VỀ TRÌNH TỰ GIAO BÓNG
Trình tự giao bóng của tay vợt sẽ lần lượt từ bên phải rồi sang bên trái phần sân của mình và luôn bắt đầu từ bên phải ở mỗi lượt thi đấu. Bóng đã giao phải bay qua lưới và rơi vào ô giao bóng chéo với vị trí đang đứng của người giao bóng hoặc trên các vạch của ô giao bóng trước khi đối thủ đánh trả bóng lại.
ĐIỀU 9: VỀ PHẠM LỖI GIAO BÓNG
Theo luật tennis, tay vợt sẽ phạm lỗi giao bóng khi:
- Vi phạm điều 7,8
- Đánh không trúng bóng khi bóng được tung lên
- Bóng chạm vào những thiết bị cố định trên sân trước khi chạm đất
- Phát bóng ra ngoài sân
ĐIỀU 10: VỀ QUẢ GIAO BÓNG THỨ 2
Nếu tay vợt giao quả bóng thứ nhất bị lỗi thì được giao lại quả bóng thứ hai ở cùng vị trí. Nếu vẫn không thành công thì tay vợt giao bóng bị mất điểm và quyền giao bóng sẽ thuộc về đối phương.
ĐIỀU 11: VỀ THỜI ĐIỂM GIAO BÓNG
Người giao bóng thực hiện giao bóng khi đối phương đã sẵn sàng đỡ bóng. Trong trường hợp người nhận bóng ra hiệu vẫn chưa sẵn sàng thì cũng không được tính lỗi của người giao bóng.
ĐIỀU 12: VỀ THỜI ĐIỂM ĐƯỢC GIAO BÓNG LẠI
Tay vợt sẽ được giao bóng lại khi gặp một trong ba trường hợp sau:
- Quả giao bóng thứ nhất bị lỗi
- Khi đấu thủ đỡ bóng chưa sẵn sàng
- Bóng được giao chạm vật cố định trên sân trước khi bóng chạm đất
Trên đây là những điều luật cơ bản của bộ môn tennis được Liên đoàn Quần vợt thế giới (ITF) xây dựng. Mong rằng bài viết cung cấp cho bạn những thông tin hiệu quả, giúp bạn hiểu rõ và chơi tốt bộ môn tennis.
Bình luận về bài viết